Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Tôi ước được đi làm trở lại để lo cho mẹ...

Mới dừng chân đầu hẻm hỏi nhà của mấy mẹ con nghèo khó, bệnh tật cần giúp đỡ, bà con ở gần đó đã đon đả chuyện trò, kể về gia đình này. Bởi, bằng tình cảm xóm giềng, họ mong có thật nhiều người giúp đỡ “mấy mẹ con nhà bác ấy bớt khổ, nhà có 3 người hết 2 người tật nguyền”...
 
Anh Thành cụt chân bên người mẹ nằm một chỗ vì tai biến
Tìm đến nhà bà Trần Thị Giò, 79 tuổi, ở số 236/16 hẻm 12 đường Nguyễn  Văn Tiết, P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chúng tôi gọi mãi mới có người trả lời. Hóa ra, hai chị em đang ở nhà dưới chăm sóc mẹ và “để mẹ bớt buồn vì bị tai biến nằm liệt giường 7 năm nay rồi”... Trong nhà bà Giò còn 2 người con. Cô con gái tên Nguyễn Thu Hiền, SN 1956 không có chồng, ở vậy nuôi mẹ. Anh con trai Nguyễn Hữu Thành, SN 1960 bị cụt chân phải. Anh kể: ngày trước, gia cảnh anh không đến nỗi nào. Ba mất từ khi anh 3 - 4 tuổi nhưng mẹ anh vẫn tảo tần buôn bán để lo cho 5 đứa con, 3 trai, 2 gái. Rồi 3 đứa lập gia đình ở riêng. Anh và chị Hiền vẫn ở vậy bên mẹ. Trước ngày bị bệnh, anh là lao động chính trong nhà. Làm thợ mộc lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng nhưng cũng tằn tiện lo được cho ba mẹ con. Thế nhưng, trước Tết Nhâm Thìn 2012 này, anh bị bệnh trĩ phải đi điều trị. Về nhà dưỡng bệnh, anh tranh thủ sơn quét nhà cửa để đón tết. Anh nói: “May mà tôi làm kịp. Đó là công việc tôi làm khi còn 2 chân! Giờ thì chịu rồi”... Cả nhà đón tết bình thường nhưng đến ngày 23 tháng giêng, giống như mẹ, anh lại bị tai biến.
Cơn bệnh như... sầm sập kéo đến khi anh đang nằm ngủ bỗng dưng cảm nhận 2 chân rất lạnh rồi cứng đơ không cử động được. Nhờ hàng xóm đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 ngày sau anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ khám và cho biết anh bị chứng xơ vữa động mạch. Chân phải dần dần bị hoại tử vì tắc nghẽn mạch máu và anh phải đoạn chi đến quá đầu gối. Để có tiền lo cho ca phẫu thuật và tiền thuốc men, anh cả của anh là Nguyễn Hữu Duyên phải đứng ra vận động, vay mượn tất cả mọi nơi. Người thân giúp mỗi người một ít để trang trải.
Hoang mang, một bầu trời tối đen trước mắt là cảm nhận đầu tiên của anh khi tỉnh dậy sau ca mổ và thấy mình từ nay không còn lành lặn. Nhưng anh phải gắng gượng chịu đựng, gắng gượng nuốt nỗi bất hạnh vào lòng. Anh còn trách nhiệm phải chăm sóc cho mẹ già đang nằm một chỗ và người chị gái cũng vì khó khăn chồng chất của gia đình mà ngày một héo hon. Anh Thành xuất viện với bệnh án: tiểu đường typ 2, men gan tăng, đoạn chi bên phải, đang hỗ trợ điều trị để giữ lại chân trái...
Hiện tại anh Thành vẫn phải tái khám thường xuyên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì “mỗi lần đi thành phố, chi phí xe cộ tốn kém lắm”. Theo anh tính toán, hàng tháng tiền thuốc men của hai mẹ con hết 1,2 triệu đồng; tiền sữa trị loãng xương cho mẹ hết vài trăm ngàn, gạo ăn của ba mẹ con khoảng 15kg. Thức ăn thì cô em gái buôn bán ở chợ... tiếp tế cũng ổn. Ngoài ra còn nhiều chi phí điện, nước khác nữa. Cả nhà lại không có ai làm gì ra tiền. Anh Thành còn nói: “Mấy mẹ con tôi nhờ bà con, láng giềng cưu mang quá nhiều rồi. Nay tôi ước mình được tặng cái chân giả để... rảnh 2 cái tay đi làm mộc như xưa, lo cho mẹ và chị gái. Bởi tôi có cụt chân vẫn muốn là trụ cột của gia đình. Mong được mọi người giúp chúng tôi qua khỏi cơn bĩ cực này”...
Chia tay ba mẹ con anh Thành vừa nghèo vừa bị bệnh tật hành hạ, tôi cũng mong cho mơ ước của anh sớm thành hiện thực.
QUỲNH NHƯ

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Khát vọng sống!

Sức khỏe là tài sản vô giá của con người. Giàu nghèo có thể có người không màng tới nhưng có được sức khỏe tốt thì ai ai cũng ước ao. Với bà Nguyễn Thị Lắm, 67 tuổi, là một hộ nghèo ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, dù mang trong mình 2 căn bệnh hiểm nghèo: ung thư tử cung và suy thận mãn giai đoạn cuối, đối mặt với bao đau đớn về thể xác nhưng khát vọng sống vẫn trỗi dậy trong bà. Dù giờ đây, sự sống của bà Lắm được tính bằng ngày nhưng bà vẫn còn nuôi hy vọng được sống, bởi cuộc sống này còn nhiều điều tươi đẹp mà con người được quyền hưởng thụ.
 
Sự sống của bà Lắm giờ đây chỉ được tính bằng ngày
Để gặp bà Lắm, chúng tôi phải đến phòng chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong căn phòng ấy đều là bệnh nhân nặng, nhưng nhìn bà thảm nhất. Nhập viện chưa được 10 ngày mà trông bà gầy rộp, da dẻ xanh xao. Bà nằm gần như bất động. Từ khi vào bệnh viện đến nay bà Lắm đã được chạy thận cấp cứu 2 lần. Bà thều thào nói: “Bác sĩ gắn kim ở đùi để chạy thận, khi nào khỏe mới chuyển lên tay. Do sơ suất, tôi làm tuột kim ra, vài ngày nữa bác sĩ sẽ gắn lại. Mà nghe nói sẽ đau gấp mấy lần so với lần gắn đầu tiên. Dù đau mấy tôi cũng gắng chịu, miễn sao được chạy thận để kéo dài sự sống”.
Bà Lắm có 4 người con, chồng bà mất khi người con đầu mới được 10 tuổi. Một thân một mình vất vả nuôi con. Theo ngày tháng các con dần khôn lớn, chỉ tiếc là do nghèo, bà không có điều kiện cho con cái ăn học, nên giờ đây họ chỉ là những công nhân lao động bình thường, thu nhập không cao. Còn bà, dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày vẫn gánh sương sa bán theo xóm, kiếm cơm qua bữa.
Cách đây 2 năm, bà Lắm bị bệnh ung thư tử cung, phải điều trị ở TP.HCM. Dù có thẻ BHYT người nghèo, nhưng có những loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên chi phí điều trị khá tốn kém. Hiện tại cứ 3 tháng bà lại trở về TP.HCM tái khám. Khi bệnh đã được điều trị tạm ổn thì bác sĩ phát hiện bà mang thêm căn bệnh suy thận, cần điều trị tích cực. Bà có 4 người con nhưng ai cũng nghèo, không có khả năng giúp đỡ gì nhiều cho mẹ. Ngày đưa bà đi cấp cứu, dù không mấy khá giả nhưng các công nhân ở xưởng cưa nơi con bà làm việc hỗ trợ kẻ ít người nhiều, bà con lối xóm cũng gom góp chút ít giúp bà làm lộ phí trị bệnh. Trải qua 2 cơn bạo bệnh, giờ đây sức khỏe bà Lắm giảm sút rất nhiều. Chị Nguyễn Thanh Tuyền, con gái thứ hai của bà nhớ lại, trước khi nhập viện, bà Lắm hay bị đau bụng. Nhưng bà cứ nghĩ do đi tia trị ung thư nên đau bụng và đã bỏ qua triệu chứng này. Có hôm do đau bụng, tay chân bủn rủn, bà làm đổ cả gánh hàng, ngày đó coi như lỗ vốn. Cho đến khi bà đau bụng dữ dội mới nhập viện thì căn bệnh đã trầm trọng.
Suy thận là căn bệnh nhà giàu, vì chi phí điều trị tốn kém, nhưng lỡ mang căn bệnh này, càng làm cho gia đình bà Lắm thêm khánh kiệt. Mấy ngày nay, bà đã tạm ứng trước 3 triệu đồng viện phí, sắp tới có lẽ còn phải đóng thêm tiền. Bác sĩ Lý Văn Trãi cho hay: “Bà Lắm bị suy thận mãn giai đoạn cuối, không có khả năng hồi phục, cần thiết điều trị thay thế thận, chạy thận nhân tạo cũng là một cách điều trị căn bệnh của bà. Hiện nay do quá tải bệnh nhân điều trị chạy thận, những bệnh nhân có điều kiện kinh tế về TP.HCM điều trị. Còn bà Lắm, do nghèo khó đành bám trụ bệnh viện”.
Mang trong mình 2 căn bệnh: ung thư và suy thận mãn giai đoạn cuối, đối mặt với bao đau đớn về thể xác nhưng khát vọng sống vẫn trỗi dậy trong bà Lắm. Bà vẫn mong muốn được chữa trị bệnh, sống thêm với con cháu được ngày nào hay ngày đó.
Hồng Thái

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Chuyện ở một gia đình có 3 người câm

Ở ấp 5, xã Tân An (TP.TDM) có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bơi hoàn cảnh rất ngặt nghèo cần được giúp đỡ. Bà Bơi tuổi già sức yếu, cộng thêm căn bệnh tim hành hạ. Đặc biệt, 3 trong số 9 người con của bà bị câm, điếc bẩm sinh hiện đang sinh sống với bà...
 
Bà Bơi (bìa phải) và 2 trong số 3 người con bị câm, điếc
Trời kêu ai... nấy dạ!
Từ đường Huỳnh Thị Chấu, vòng vèo thêm vài lần rẽ trái, rẽ phải, chúng tôi đến nhà của bà Nguyễn Thị Bơi. Căn nhà 3 gian dù đã cũ kỹ nhưng vẫn còn khá tươm tất. Căn nhà này do cha mẹ bà Bơi để lại. Trước đây còn mạnh khỏe, vợ chồng bà tích cóp sửa sang lại mới được như ngày hôm nay. Nhà cửa coi như tạm ổn định, nhưng cuộc sống của những thành viên trong căn nhà ấy mới là điều đáng nói. Thấy có khách đến, bà Bơi cố ngồi dậy nói chuyện năm ba câu rồi lại tiếp tục nằm dài. Với dáng người gầy ốm, da dẻ xanh xao, sức sống gần như không hiện diện ở trong bà.  Hỏi thăm mới hay bà mắc các chứng bệnh tim mạch như: huyết áp, tiểu đường, tim. Đã vậy còn ăn uống thiếu thốn nên bà Bơi ngày càng xuống sức. Bà buồn rầu nói, hôm qua nhà hết tiền phải ăn mắm ruốc, vừa ăn xong bà thở lấy hơi lên, khiến các con một phen khiếp vía.
Bà Bơi có tất cả 9 người con. Hiện 5 người đã lập gia đình nhưng đều khó khăn nên cũng không giúp đỡ được gì cho mẹ. Hiện tại gia đình bà có 6 thành viên thì có 1 người bệnh, 3 người câm, chỉ còn mỗi cô út Nguyễn Ngọc Dung là lành lặn và trở thành trụ cột, lo kinh tế gia đình. Không muốn khơi gợi lại nỗi đau của người mẹ, nhưng chúng tôi buộc phải hỏi thăm về những người con bị câm của bà. Bà kể, bà sinh người con đầu bình thường như bao người khác. Đến khi sinh đứa con kế là Nguyễn Văn Quyết thì bị câm, điếc. Rồi sau đó đến người con thứ 6 là Nguyễn Thị Có và người con thứ 7 là Nguyễn Thị Gái Bảy cũng bị câm, điếc nốt. Nỗi đau của người mẹ như dâng trào. Đã bao đêm vợ chồng bà khóc hết nước mắt vì thương các con. Có thiệt thòi nào bằng khi các con của bà ngày càng lớn, mặt mũi cũng sáng láng, nhưng “vô cảm” với mọi người. Cũng vì bị câm, điếc, những người này không thể đi học như bao bạn bè khác. Cha mẹ nào khi sinh con ra cũng mong ước các con phát triển bình thường, để rồi được hưởng thụ những nhu cầu chính đáng như học tập, lao động... nhưng với 3 người câm trong gia đình ấy, bản thân họ không chỉ bị thiệt thòi mà còn trở thành gánh nặng cho cha mẹ.
 
Bếp núc lạnh tanh vì chiều nay nhà không còn thức ăn
Trong 3 người con, chỉ có anh Nguyễn Văn Quyết thỉnh thoảng được bà con thuê làm công, cuốc đất... còn 2 cô con gái chân yếu tay mềm lại bị tật nguyền nên không ai thuê mướn gì cả. Cứ 4 - 5 ngày, 2 chị ra sông hái rau mốp về bán, mỗi lần như vậy được trên dưới 50.000 đồng. Cuộc sống của cả gia đình nhờ vào tiền lương công nhân chưa đến 2 triệu đồng của cô con gái út Nguyễn Ngọc Dung. Cũng vì nghèo mà chị Gái Bảy bị bệnh bướu cổ, thường xuyên bị mệt, có lúc ngất xỉu, nhưng lấy tiền đâu đưa chị đi bệnh viện điều trị. Trong nhà thường xuyên đối mặt với cảnh chưa ăn bữa trưa đã lo đến bữa chiều. Chị Dung ngậm ngùi nói “chiều nay nhà không còn gì ăn, chắc là xào bắp cải ăn qua bữa. Có hôm nhà không còn gạo nấu phải ăn cháo sống lây lất qua ngày. Ăn xong cả nhà lên giường ngủ ngay, kẻo bụng lại đói. Chuyện mua thiếu, chịu ở quán cứ xảy ra thường xuyên. Bà con thương tình, biết mình thiếu dai nhưng vẫn vui vẻ bán”. Nghe Dung tâm sự mà lòng tôi nghe đau nhói. Ngày nay cuộc sống của người dân được nâng cao, nhưng trong xã hội vẫn còn những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, mà có tận mắt chứng kiến chúng tôi mới tin điều đó là sự thật. Còn với Dung, gánh nặng gia đình đã đè lên vai cô gần 15 năm nay và có lẽ còn tiếp tục theo cô nhiều năm nữa. Dung nay đã 36 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Bởi như lời cô nói: “Nếu em lập gia đình thì lấy ai lo cho mẹ, các anh chị bị câm điếc biết bấu víu vào đâu để mà sống”.
Ước mơ bình dị
Khi được hỏi, nếu cho một điều ước, sẽ ước mơ điều gì? Mẹ con bà Bơi nói ngay, nếu có vốn gia đình sẽ chăn nuôi thêm để cải thiện cuộc sống. Nếu gia đình có “đồng vô, đồng ra”, được ăn uống đầy đủ, chắc chắn bà Bơi sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Bà cho hay, trước đây khi còn khỏe mạnh, ngoài đi ghe, chở củi về TP.HCM bán, bà Bơi còn chăn nuôi thêm heo, gà. Hiện chuồng vẫn còn đó nhưng đành bỏ không.
 
Mỹ Duyên là niềm hy vọng duy nhất của gia đình 
Với phụ nữ, bị câm, điếc là một thiệt thòi lớn. Các cô không có tuổi xuân đẹp như những cô gái khác. Vậy mà 2 cô nào được yên. Cả 2 người con gái của bà Bơi đều bị kẻ xấu giở trò đồi bại, dẫn đến có con. Và cũng vì câm, điếc, Nguyễn Thị Có không thể dạy dỗ được con trai, dẫn đến hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội. Còn con của chị Gái Bảy là em Nguyễn Mỹ Duyên, hiện đang học lớp 7, dù nhà nghèo khó, em chỉ có duy nhất một bộ quần áo đi học do một người bà con cho từ năm học trước nhưng Duyên cố gắng học khá giỏi. Em là niềm hy vọng duy nhất của gia đình. Tuy gia đình thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng vẫn chấp nhận ăn cháo, rau để dành tiền mua sách, tập cho em chuẩn bị bước vào năm học mới. Duyên tâm sự: “Tập, sách thì có rồi, còn chiếc xe đạp cà tàng em đưa ra tiệm sửa đã gần tháng nay nhưng chưa thể đem về, vì không có tiền trả cho chủ. Ước gì bây giờ em có được 170.000 đồng...”.
Bà Nguyễn Thị Lan, phụ trách công tác thương binh - xã hội xã Tân An cho biết, gia đình bà Bơi thuộc diện hộ cận nghèo. Hiện bà được hưởng trợ cấp hàng tháng 340.000 đồng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mới đây, Phòng LĐ-TB&XH TP.Thủ Dầu Một đã đến khảo sát gia đình và sẽ đưa chị Gái Bảy vào diện bảo trợ, được trợ cấp hàng tháng. 
HỒNG THÁI