Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Một đời gian truân


 
Sau lần bị té gãy chân cách đây mấy tháng, bà Hai (95 tuổi) không còn đủ  sức để đi lại. Suốt ngày, bà nhốt mình trong căn nhà bé tí, ngột ngạt. Ai  cho gì ăn đó, sống nhờ lòng thương của bà con lối xóm. Cuộc đời của bà  Hai là cả chuỗi ngày buồn tủi, đơn độc. 
Căn nhà của bà Võ Thị Hai (khu phố 14, phường Phú Cường, TP.TDM) nằm khuất trong một con hẻm nhỏ. Có thể nói, đây là căn nhà nhỏ nhất mà tôi từng được thấy, có tổng điện tích khoảng chừng 5m2. Căn nhà chỉ đủ kê tạm cái giường cùng vài vật dụng sinh hoạt nhỏ bé. Cái giường vừa là nơi để bà ngủ nghỉ, cũng là nơi tiếp khách, dùng làm bàn ăn, bàn trầu. Tù túng, chật chội và ẩm mốc đến mức khó thở, nhưng bà Hai đã gắn bó với nó hàng chục năm nay.
Bà Hai quê ở Bình Đại, Bến Tre. Năm 16 tuổi, bà lên Bình Dương tìm đường lập nghiệp, ở nhờ nhà người anh bà con. Và chính bà cũng không ngờ lần xa quê ấy đã vĩnh viễn không trở lại. Bà kể, sau khi lên Bình Dương được 2 năm thì lấy chồng, ông ấy làm ở bưu điện. Cuộc sống khá hạnh phúc, nhưng 2 người không có con. Năm bà tròn 37 tuổi thì chồng qua đời. Cũng năm ấy, bà theo hoạt động cách mạng cho đến ngày đất nước giải phóng. Bà từng chiến đấu ở nhiều chiến trường như Sông Bé, Biên Hòa, An Phú Đông... “Tôi học ít, nên chẳng hiểu biết nhiều. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi đã làm thất lạc giấy tờ. Sau này, những người cùng thế hệ cũng đã già và chết, nên công lao không được ghi nhận”, bà Hai tâm sự.
 
 Căn nhà nhỏ của bà Hai không đủ chỗ cho 2 người khách

Nhớ lại những tháng ngày dài, bà Hai sụt sùi nước mắt. Gương mặt khô héo của bà lại càng buồn hơn. Bà cho biết, căn nhà ngày trước là cái chuồng heo cũ của một người tốt bụng, cho bà che chắn ở tạm. Sau này được xây tường kín đáo, rồi trở thành nhà. Ngày qua ngày, bà sống bằng công việc làm thuê, ai kêu gì làm đó. Khi thì giặt ủi, rửa chén ở chợ; có khi lại đi bưng bê, gánh nước, nhổ cỏ. Không ít lần bà cũng đã dành dụm được chút đỉnh để về thăm quê hương, người thân. Nhưng nghĩ lại cha mẹ đã mất, những người cùng trang lứa chẳng còn ai. Cứ chần chừ hết lần này đến lần khác và ý định một lần về thăm quê của bà nhanh chóng bị tuổi già đánh cắp. Hiện tại trí nhớ của bà còn minh mẫn, nhưng sức đã tàn.
 
Ăn trầu, thú vui duy nhất của bà Hai

Đã nhiều năm nay, bà Hai sống nhờ vào tiền trợ cấp người già của phường, nên không thể tránh khỏi bữa đói bữa no. Đặc biệt, những lúc ốm đau như hiện tại thì càng khó khăn gấp bội, chỉ nhờ vào lòng tốt của bà con lối xóm. Bà rất cần được sự mở rộng vòng tay từ các nhà hảo tâm.
QUANG TÁM

Cậu bé xương thủy tinh


Bệnh xương thủy tinh là căn bệnh hiếm gặp, việc chữa trị khá tốn kém. Vậy mà em Nguyễn Hữu Chiến, 14 tuổi, đang ngụ tại khu phố 9, phường Chánh Nghĩa (TP.TDM) lại vướng phải căn bệnh này. Gia đình em đã nghèo lại càng thêm khốn khó kể từ khi Chiến mắc bệnh.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, mẹ của Chiến buồn rầu kể lại, lúc mới sinh ra, Chiến vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm em 2 tuổi, trong một lần mẹ đưa ra công viên chơi, Chiến bị té gãy chân phải bó bột. Trong vòng 5 năm, cứ vài tháng em lại té, lại bó bột. Thấy lạ, có người khuyên chị nên đưa con về Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM kiểm tra. Đưa con về đây chị mới tá hỏa khi biết con bị bệnh xương thủy tinh.
 
Tay chân Chiến bị biến dạng, không thể đi đứng được

Hoàn cảnh gia đình chị Hằng cũng lận đận lắm. Sau ngày giải phóng, cả nhà dắt díu nhau đi kinh tế mới. Chỉ sau thời gian ngắn gia đình lại đùm túm trở về thị xã. Nhà cửa không còn, cả gia đình phải sống ở vỉa hè ở đường Đinh Bộ Lĩnh, sau đó về ở trọ trên đường Thích Quảng Đức. Hiện nay, cả gia đình gồm 9 người đang ở nhà thuê tại phường Chánh Nghĩa, trong đó có 3 mẹ con chị Hằng. Do di chuyển nhiều nơi, nhà cửa không có nên đến giờ gia đình chị vẫn chưa có hộ khẩu. Đó là một thiệt thòi cho gia đình, vì dù biết là hộ nghèo nhưng địa phương khó lòng giúp đỡ. Chị Trần Thị Thu Hương, cán bộ xóa đói giảm nghèo cho biết, dù vậy vào những dịp tết thiếu nhi 1-6, trung thu, địa phương cũng dành những phần quà cho 2 con của chị Hằng.
Nhắc lại chuyện bệnh tình của cháu Chiến, chị Hằng nói tiếp, lần đi khám bệnh cho cháu ở trung tâm chấn thương chỉnh hình, bác sĩ bảo rằng, muốn cháu không bị gãy xương cần phải được phẫu thuật gắn nẹp inox vào chân. Chi phí cho ca mổ là không nhỏ, trong khi chị một thân một mình đi bán vé số nuôi 2 con nhỏ lấy đâu có tiền phẫu thuật cho con. Nhưng số phận cũng mỉm cười với con chị khi chương trình “Khát vọng sống” của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương biết chuyện đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí ca phẫu thuật. Từ đó, em không còn bị gãy chân nữa. Tuy nhiên, cứ mỗi tháng chị phải đưa con về thành phố tái khám, mỗi lần như vậy chi phí thuốc men mất 1,5 triệu đồng. Một thân nuôi 2 con nhỏ, một đứa bệnh xương thủy tinh, đứa đang học lớp 2, với bao nỗi lo toan đè nặng trên vai khiến người mẹ ngày càng gầy nhom. Cứ mỗi lần sắp đến ngày đưa con đi khám chị lại đứng ngồi không yên. Thấy hoàn cảnh túng bấn của mẹ con chị, bà con xóm giềng thương tình góp người 50.000 đồng, người 100.000 đồng giúp đỡ chị.
Với em Chiến, vì bệnh nên chưa một lần em được bước chân đến trường. Em tâm sự: “Nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng vui đùa và đi học, em thèm khát lắm. Lẽ ra ở tuổi này em được đi học và phụ giúp mẹ việc nhà thì hạnh phúc biết bao”. Chỉ nói được mấy câu, mắt cậu bé đã cụp xuống. Hiện tại chân Chiến không còn bị gãy nữa, nhưng theo năm tháng, đôi chân của em cong như vòng kiềng do bị biến dạng nặng không thể đi lại được. Nhìn em bò quanh quẩn trong nhà như đứa trẻ, chúng tôi vô cùng xót xa. Để chân em không còn bị gãy, trước đây em được bác sĩ phẫu thuật, cứ mỗi chân cưa 4 đoạn bắt ốc, bây giờ do chân ngày càng cong, những chỗ ấy nhô lên cấn vào da thịt rất đau. Bác sĩ cho biết, Chiến cần phải phẫu thuật thay xương nhân tạo, nếu không lâu ngày xương bị cong xỉa vào thịt. Việc phẫu thuật cho con trong lúc này đối với chị Hằng là điều không tưởng. Bởi hiện tại, chị đi làm việc nhà thuê cho nhiều nơi, mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng, chi phí thuốc men của Chiến đã ngốn hơn nửa, còn lại lo cái ăn cho 3 mẹ con chưa đủ làm gì có dư mà dám nghĩ đến chuyện phẫu thuật. Dù rất thương con nhưng chị đành nhìn con mà nuốt nước mắt vào lòng, bởi: “lực bất tòng tâm”.
Cuộc sống của Chiến hiện giờ quá mong manh. Qua chương trình này, chúng tôi mong muốn bạn đọc gần xa hãy dang rộng vòng tay cứu lấy cuộc đời em. Bởi tuổi đời của Chiến còn rất nhỏ, em cần được hưởng thụ những điều tốt đẹp ở cuộc đời này, mà từ trước đến nay em chưa một lần được chạm đến.
A.SÁNG

Hy vọng mong manh


 
Tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư, nhưng với trường hợp của chị Lưu Lệ Kim, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứ làm tôi xót xa mãi. Căn bệnh đã bào mòn sức khỏe chị đến xác xơ, tiều tụy và đẩy gia đình đến chỗ khó khăn.
 
Từ ngày bệnh trở nặng, chị Kim về nhà mẹ ruột ở khu phố 2, phường Phú Cường, TP.TDM để mẹ chị tiện việc chăm sóc. Trong căn nhà khoảng chừng 20m2 và thêm gác lửng nhưng có đến gần 10 người sinh sống. Nghe có người đến thăm, chị khó nhọc bước xuống cầu thang. Thật không thể nhìn ra cô điều dưỡng năng nổ ngày nào, giờ đây trở nên tiều tụy, xanh xao đến vậy. Với hơi thở gấp, chị kể cho chúng tôi nghe về căn bệnh của mình.
 
 Căn bệnh đã bào mòn sức khỏe chị Kim thế này đây

Cách nay 2 năm, trong một lần tắm, vô tình chị Kim phát hiện có khối u ở vú. Lo lắng có chuyện không hay, chị liền về TP.HCM khám bệnh. Khi nghe bác sĩ thông báo bị ung thư, chị như muốn quỵ xuống, trời đất tối sầm. Nhưng cũng may là bệnh mới ở giai đoạn đầu. Sau một thời gian điều trị, vừa phẫu thuật, vô thuốc, căn bệnh đã ổn. Sau 2 năm điều trị, tưởng chừng căn bệnh đã dứt, nào ngờ lại bộc phát dữ hơn. Hiện chị đang hóa trị đợt thứ 3. Cứ mỗi lần vô thuốc là sức khỏe chị thêm suy kiệt, phải nghỉ ngơi vài ngày mới lấy lại sức thì lại tiếp tục vô toa thuốc kế tiếp. Ai đã mắc căn bệnh ung thư, dù gia đình có giàu có, nhưng với thời gian điều trị kéo dài thì chẳng mấy chốc túi tiền cũng cạn kiệt. Với chị Kim, hoàn cảnh gia đình chị vô cùng khó khăn, nhà cửa chưa có, công việc làm của chồng không ổn định nên gần như đồng lương của chị là thu nhập chính của gia đình. Từ khi chị mắc bệnh, tiền bạc trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Bà con họ hàng thương tình cho mượn tiền đi trị bệnh, dù biết chị khó có khả năng chi trả. Chị cho biết, mỗi đợt điều trị 20 triệu đồng, bảo hiểm y tế thanh toán 50%, phần còn lại chị tự lo. Giờ đây, căn bệnh của chị ngày càng trầm trọng, đã di căn sang nhiều bộ phận khác trong cơ thể khiến cho chị vô cùng đau đớn. Ăn, ngủ không được, người chị ngày càng gầy yếu, sức khỏe suy kiệt. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, dù cố kìm nén nhưng chị cứ ôm ngực nhăn nhó.
Có một điều lạ là chị Kim không muốn cho mọi người biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Dù chị không lý giải được lý do vì sao muốn giấu mọi người, nhưng qua cách tâm sự, tôi biết chị mặc cảm, không muốn ai thương hại mình. Cũng vì lý do này mà khi mới phát bệnh, chị âm thầm đi điều trị mà không báo cho bệnh viện biết. Dù vậy, đồng nghiệp cũng đoán ra, nhưng vì thấy chị mặc cảm nên chỉ biết nhìn chị bằng ánh mắt e ngại. Đến khi bệnh tái phát gia đình đưa chị lên bệnh viện cấp cứu, lúc này mọi người mới gom góp tiền giúp chị chữa chạy bệnh. Căn bệnh hành hạ như vậy nhưng chị vẫn gắng sức vừa trị bệnh vừa đi làm để có thêm thu nhập trang trải chi phí trị bệnh. Từ đầu tháng 9 đến nay, do sức khỏe quá suy kiệt, chị Kim đã nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Chị Nguyễn Thị Mai, điều dưỡng trưởng khu khám bệnh đa khoa tỉnh nhận xét: “Biết hoàn cảnh gia đình Kim khó khăn, bệnh viện và đông đảo đồng nghiệp đã giúp đỡ cô khá nhiều. Điều dưỡng Kim nhiệt tình, tận tụy với công việc nên được bệnh nhân quý mến. Năm 2013 là cô đủ thời gian nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Dù bị bệnh tật hành hạ nhưng chị Kim vẫn còn hy vọng bệnh thuyên giảm để chị có sức khỏe lo cho đứa con trai nhỏ ăn học đến nơi đến chốn. Để hy vọng của chị không tắt, rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của bạn đọc gần xa.
H.THÁI